Chuột chũi mù là một loài phân bố từ Đông Nam châu Âu đến Iran. Loài này là đối tượng quan trọng trong các nghiên cứu y học nhằm kéo dài tuổi thọ và khả năng chống ung thư cho con người.
Thế giới của chúng ta tràn ngập những sinh vật kỳ lạ và thú vị. Thỉnh thoảng, bạn có thể bắt gặp hoặc đọc về một loài mà bạn không thể quyết định rằng vẻ ngoài của chúng dễ thương, đáng yêu hay hết sức đáng sợ! Chuột chũi mù cũng là một trong số đó, chúng có thể khiến bạn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như vậy.
Chuột chũi mù thuộc họ Spalacidae và chúng có 2 phân loài khác nhau: chuột chũi mù nhỏ (Spalax leucodon), và chuột chũi mù lớn. Chúng chủ yếu được tìm thấy xung quanh phần phía đông của Địa Trung Hải và Biển Đen, từ Balkan qua Ukraine, Tiểu Á, Syria, Palestine, và vào Ai Cập và Libya. Chúng là loài gặm nhấm sống dưới lòng đất được bao phủ bởi lớp lông dày đặc, có vẻ như không có tai và không có mắt, với những chiếc răng lớn nhô ra bên ngoài miệng.
Đôi mắt của chuột chũi mù nằm ở đâu?
Tất cả những con chuột chũi mù, như tên gọi của chúng, đều bị mù. Nhưng điều đó không có nghĩa là loài vật này không có mắt. Trên thực tế, chúng không mù hoàn toàn và chúng sở hữu đôi mắt khá thô sơ, với đường kính khoảng 1 mm nằm dưới da và lông. Nhưng đôi mắt này phục vụ một mục đích khác rất nhiều so với mắt của con người. Đôi mắt của loài chuột chũi mù chỉ có thể cảm nhận được ánh sáng. Người ta đã nghiên cứu rằng việc loại bỏ mắt sẽ làm rối loạn nhận thức về quang kỳ của chúng.
Điều hòa thân nhiệt, sinh sản và ngủ đông – tất cả những hành vi này đều quan trọng ở động vật có vú, những điều này đòi hỏi chúng phải nhận ra những thay đổi trong quang kỳ. Do đó, đôi mắt nhỏ của chuột chũi mù có chức năng quan trọng giúp chúng hiểu được các điều kiện xung quanh. Võng mạc của đôi mắt không hoạt động của chúng có các tế bào cảm quang có thể thu thập ánh sáng ít ỏi xuyên qua đất và do đó hoạt động giống như một máy đo ánh sáng.
Chuột chũi mù là đối tượng nghiên cứu của khoa học do khả năng chống ung thư
Chuột chũi mù không bị ung thư vì các tế bào của chúng có thể tự kết thúc vòng đời bằng một loại protein có độc khi chúng nhân lên nhanh chóng. Chúng có thể sống tới 20 năm, tức là dài hơn ít nhất 10 lần so với một con chuột có kích thước tương tự. Khả năng chống ung thư của chúng có thể giải thích ở một mức độ nào đó về tuổi thọ này.
Trên thực tế, một nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tất cả những con chuột chũi mù đều có khả năng chịu đựng các liều thuốc hóa trị rất cao với tác dụng phụ tối thiểu. Các nhà khoa học hy vọng rằng nếu họ có thể tìm hiểu thêm về cách chính xác những con chuột chũi mù đạt được sức đề kháng này, thì có thể phát triển một phương pháp điều trị ung thư cho con người có thể khai thác các khía cạnh tích cực và có lợi mà không tạo ra bất kỳ tác hại nào.
Những sự thật thú vị khác
1. Những con chuột chũi mù không dùng móng vuốt để đào hang
Hầu hết các loài gặm nhấm đào hang dưới lòng đất sẽ sử dụng móng vuốt của chúng để đào hang, nhưng những người bạn nhỏ này thì không. Tất cả những con chuột chũi mù đều sử dụng đầu, mõm và chủ yếu là miệng để tạo ra những mê cung đường hầm phức tạp dưới lòng đất.
Chúng có những chiếc răng cửa to như cái đục và cơ hàm mạnh mẽ giúp chúng có thể đào được những khối đất nặng gấp mười lần trọng lượng của chúng.
2. Chuột chũi mù có thể sống được ở những nơi có nồng độ oxy gần như bằng không
Chuột chũi mù có thể sống trong điều kiện oxy cực thấp. Chúng có thể tồn tại tới năm giờ ở mức oxy thấp nhất là 3%. Theo nghiên cứu, chúng cũng có thể tồn tại trong bầu không khí có 80% CO2.
Người ta đã quan sát thấy rằng khi lượng oxy xuống rất thấp, chuột chũi mù sẽ rơi vào trong trạng thái chuyển hóa giống như thôi miên, và nhịp tim của chúng giảm xuống rất thấp. Nhưng khi có lại oxy, chúng có thể hồi phục hoàn toàn và tiếp tục hoạt động như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Các nhà khoa học nghiên cứu về loài chuột chũi trụi lông cho rằng loài chuột chũi sống sót mà không cần oxy bằng cách tự biến mình thành thực vật – tất nhiên không phải theo nghĩa đen. Các động vật có vú khác, bao gồm cả chúng ta, phân hủy đường glucose để tạo ra năng lượng, nhưng quá trình đó cần có oxy, và nếu không có oxy, các tế bào não sẽ bắt đầu chết! Nhưng chuột chũi có hàm lượng fructose và sucrose cao trong cơ thể, cũng như GLUT5, một phân tử có thể vận chuyển fructose vào tế bào của chúng. Theo đó chúng sẽ sử dụng đường fructose làm năng lượng, thay vì phân hủy đường glucose.
3. Các nhà khảo cổ Israel nghĩ rằng chuột chũi mù có thẻ trở thành trợ thủ đắc lực trong quá trình khai quật
Các nhà khảo cổ học Israel cho rằng những con chuột chũi mù có thể là những thành viên có năng lực trong nhóm để giúp họ khai quật các di tích lịch sử. Nó có vẻ giống như một đề xuất buồn cười, nhưng trên thực tế, loài vật này là những thợ đào cừ khôi và có thể đào đất nặng gần gấp mười lần trọng lượng của chúng.
Theo đó, nếu được huấn luyện, chúng có thể giúp các nhà khảo cổ đào các vật thể lịch sử từ dưới lòng đất. Ngoài ra, bằng cách nghiên cứu một cách có hệ thống chất bẩn từ chuột chũi, các nhà khảo cổ học có thể có một ý tưởng khá chính xác về những khu vực mà họ nên tập trung vào khi tiến hành khai quật.
Thành thật mà nói, chuột chũi là những sinh vật kỳ lạ, độc đáo và vẫn tiếp tục gây tò mò cho các nhà khoa học về đặc điểm sinh học của chúng.
0 Nhận xét