XEM TRỰC TIẾP         




Tác giả:

  • Hồ Ngọc Khải, Lê Anh Tuấn (đồng Tổng Chủ biên)
  • Đặng Châu Anh (Chủ biên)
  • Lương Diệu Ánh, Nguyễn Đăng Bửu, Trần Ngọc Hưng, Nguyễn Mai Kiên, Hà Thị Thư, Trịnh Mai Trang, Tô Ngọc Tú, Lâm Đức Vinh

SGK Âm nhạc 2 khẳng định giáo dục âm nhạc chính là phương tiện hiệu quả để giáo dục lòng yêu nước cho HS, điều đó được thể hiện ngay từ trang bìa và trang prepage. Ngoài ra, còn có chủ đề 7 và 8 để HS học những bài hát, bài đồng dao và trò chơi dân gian Việt Nam.


Tiếp cận và tham khảo các bộ SGK Âm nhạc của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới: Singapore, Hàn quốc, Nhật Bản, Hoa Kì…; Tiếp cận và vận dụng các phương pháp giáo dục âm nhạc tiên tiến của thế giới như Kodály, Orff-Schulwerk, và Dalcroze; Chú trọng đến các yếu tố thẩm mĩ, phù hợp với lứa tuổi HS ở tiểu học, đặc biệt là HS lớp 2.


Sách mang tính hiện đại, thể hiện qua sự vận dụng định hướng triết lí và phương pháp giáo dục âm nhạc tiên tiến của thế giới, cấu trúc và thiết kế mĩ thuật của sách, bao gồm:


Một là, triết lí “âm thanh đi trước kí hiệu” của Pestalozzi – Nhà cải cách giáo dục người Thuỵ Sĩ , “Trẻ em cần học âm nhạc thông qua khám phá, trải nghiệm; qua nguồn âm nhạc dân gian bản địa và âm nhạc mang tính nghệ thuật cao của nhân loại” của Kodály – Nhà sư phạm âm nhạc Hungary là kim chỉ nam để chúng tôi thiết kế các hoạt động học tập âm nhạc trong SGK này. HS luôn được hoà mình vào các hoạt động âm nhạc học mà chơi, chơi mà học; trải nghiệm âm nhạc thông qua vận động, phản ứng, và ứng tấu với âm nhạc. Hoạt động âm nhạc đa dạng về nội dung và hình thức nhằm mang tới niềm vui cho HS.


Hai là, cấu trúc các chủ đề và các nội dung học tập trong từng chủ đề thể hiện tính hệ thống, chặt chẽ và khoa học. Sách được cấu trúc thành 8 chủ đề. Trong đó các chủ đề vừa kết hợp giáo dục phẩm chất, năng lực chung cho HS thông qua nội dung bài hát, việc tổ chức hoạt động học tập âm nhạc vừa lồng ghép, tích hợp với trải nghiệm và khám phá các yếu tố khác biệt bên trong của các phương tiện diễn tả âm nhạc như cao độ, trường độ, cường độ và âm sắc.


Ba là, mỗi chủ đề thường bắt đầu bằng phần Khám phá và kết thúc bằng Nhà ga âm nhạc. Phần Khám phá là phần tác động đến sự tò mò, gợi ý để HS tìm đến kiến thức, kĩ năng mới. Phần Nhà ga âm nhạc gợi ý đề HS tự ôn tập, tái hiện các nội dung, kĩ năng thực hành âm nhạc đã học trong từng chủ đề và cũng chính là nơi để các em tự đánh giá sự tiến bộ về năng lực thể hiện âm nhạc, hiểu biết và cảm thụ âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc sau khi trải nghiệm qua các nội dung học tập được qui định trong Chương trình môn Âm nhạc.