ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II – NĂM HỌC 2018-2019

MÔN VẬT LÝ – KHỐI 8

Thời gian: 45 phút (không kể thời gian phát đề)

Câu 1:

a/ Nêu định nghĩa công suất. Viết công thức tính công suất. (1 điểm)

b/ Nhà bạn An đang sử dụng một máy lạnh có công suất 1 Hp (Hp: horse power – mã lực), biết rằng 1 Hp = 745,7 W. Nếu nhà bạn An sử dụng máy lạnh trên trong 1 giờ thì công do máy lạnh thực hiện là bao nhiêu? (1 đ)

Câu 2:

a/ Thế nào là nhiệt năng của một vật? Có thể làm thay đổi nhiệt năng của một vật theo những cách nào? (1 đ)

b/ Hai bạn An và Bình cùng đi du lịch Sapa. Sapa là nơi có nhiệt độ rất thấp nên hai bạn đều cảm thấy lạnh.

Để giữ ấm, bạn An dùng hai tay xoa vào nhau cho ấm còn bạn Bình lại hơ hai tay trên một bếp lửa.

Em hãy cho biết cách mà hai bạn đã làm thay đổi nhiệt năng của tay. (1 điểm)

Câu 3:

a/ Thế năng trọng trường là gì? Thế năng trọng trường phụ thuộc vào các yếu tố nào? (1 điểm)

b/ Em hãy cho biết cơ năng trong các trường hợp sau thuộc dạng nào? (1 điểm)

b.1/ Nước bị ngăn trên những hồ chứa trên vùng núi cao.

b.2/ Con diều đang bay trên bầu trời.

Câu 4:

CỬ TẠ - NHỮNG KIẾN THỨC CẦN BIẾT

Cử tạ là bộ môn thể thao phổ biến, được thi đấu ở hơn 180 quốc gia và đây cũng là môn thi đấu chính thức trong các kì thế vận hội Olympic dành cho cả nam và nữ.

Cử tạ gồm hai kiểu :

+ Cử giật (Snatch) : chỉ có một động tác duy nhất là nhấc thanh tạ từ sàn nhà và nâng qua đầu. Trong kiểu này, yếu tố tốc độ nhỉnh hơn yếu tố sức khỏe.

+ Cử đẩy (Clean & Jerk) : gồm 2 động tác. Nhấc tạ lên vai và nâng tạ qua đầu.

Cả hai kiểu sau khi nâng tạ qua đầu thì vận động viên đều phải giữ tạ ở tư thế bất động cho đến khi trọng tài thổi còi thì mới được phép thả tạ.



Theo thông tin trên và những kiến thức tổng hợp, em hãy trả lời những câu hỏi sau :

a/ Trong quá trình nâng tạ từ sàn và nâng qua đầu, có bao nhiêu lực tác dụng lên quả tạ? Những lực này có sinh công hay không? Vì sao? (1 điểm)

b/ Trong tư thế giữ tạ, các lực trên có sinh công không? Vì sao ? (1 điểm)

 

Câu 5:

Để nâng một vật có khối lượng 25 kg lên cao 4 m người ta dùng một băng tải (như một mặt phẳng nghiêng) có độ dài 8 m.

a/ Tính độ lớn của lực kéo của băng tải nếu bỏ qua ma sát giữa vật và băng tải. (1 điểm)

b/ Trên thực tế có lực ma sát giữa vật và băng tải nên lực kéo của băng tải là 140 N. Tính công của lực ma sát trên băng tải? (1 điểm)

HẾT